Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Thứ Năm, 11 tháng 10, 2012

GIẬT MÌNH HOÀI NIỆM CHUYỆN NGÀY XƯA

(Hay sự tích về người sáng nghiệp dòng họ Nguyễn Xuân ở An Trì)                

Bút ký của Nguyễn Xuân Hải                                
                 Mãi đến mùa thu năm Nhâm Thìn (2012),tôi mới có được cuốn Sơ thảo gia phả dòng họ Nguyễn Xuân .Cuốn gia phả do bác Nguyễn Xuân Vĩnh  dày công sưu tầm ,biên soạn hơn chục năm trời và đã qua nhiều lần sửa chữa.Hồi bố Nguyễn Xuân Long  còn sống,thỉnh thoảng anh em chúng tôi cũng được người kể đôi điều về lịch sử ra đời dòng họ Nguyễn Xuân ở làng cổ An Trì  .Nhưng đó mới chỉ là những mẩu chuyện truyền miệng từ đời trước sang đời sau mà bố tôi nhớ được.Những mẩu chuyện rời rạc và chứa đựng nhiều điều bí ẩn .May thay,những điều bí ẩn đến mức ly kỳ đã được bác tôi chép trong cuốn Sơ thảo gia phả này.Đó là những tư liệu khá hấp dẫn và đáng tin cậy.Bởi lẽ bác tôi may mắn có được một cuốn ghi chép của  cụ ông 4 đời Nguyễn Xuân Ước viết bằng chữ Hán.Cụ Ước là một người học hành đỗ đạt, có tài thơ , được triều đình Nhà Nguyễn từ đời vua Tự Đức bổ nhiệm việc trông coi  dân tình một vùng đất gồm mấy xã giữa huyện Vĩnh Lại tỉnh Hải Dương (nay là Vĩnh Bảo-Hải Phòng).Sau một qúa trình kỳ công phục dựng những dòng chữ viết trên giấy bản ,trang mờ,trang nát rồi dịch cuốn ghi chép  Hán tự ấy, bác tôi đã dành tới 11 trang đầu của cuốn gia phả thay lời dẫn viết về  cụ tổ Nguyễn Công Vọng-Người quyết định đổi họ Nguyễn Công thành họ Nguyễn Xuân sau này.Đó là một quyết định đẫm nước mắt  của  một người đã chịu biết bao cay cực ,biết bao  mất mát trong suốt 40 năm lưu lạc nơi đất khách quê người...
      Sau khi được đọc ,được nghe kể lại cuộc đời như trong chuyện cổ tích của người đã sáng lập ra  dòng họ Nguyễn Xuân của mình,tôi quyết định viết thêm đôi dòng về Cụ Nguyễn Công Vọng gắn với những biến động  lịch sử của đất nước  một thời tao loạn.Ngoài ra,cùng suy nghĩ với bác Nguyễn XuânVĩnh, tôi bắt đầu nuôi dưỡng một niềm hy vọng thiêng liêng là sẽ tìm lại được dòng họ Phan ở Thanh Hóa đã cưu mang cụ Nguyễn Công Vọng cách nay đã hơn 200  năm .Xa  hơn nữa là con cháu dòng họ Nguyễn Xuân phát tích từ An Trì trang hôm nay sẽ có cơ may chắp nối liên lạc được với thế hệ  cháu 7 hoặc 8 đời,hậu duệ của cụ Vọng còn đang sinh sống tại một vùng quê ven biển  xứ Thanh hay nơi nào đó trên thế gian này... 
                                                          *     *
                                                             *
      * Giấc mơ khoa bảng,nỗi buồn nho sinh...
                   (Chú ý:khi phát thanh viên đọc,phải  bỏ các tít phụ mà thay bằng nhac không lời)
...Dòng sông Vĩnh Tinh chảy từ phía mặt trời lặn, len lỏi qua bao làng xóm ,ruộng đồng của huyện Vĩnh Lại ,châu Hạ Hồng tìm đường ra bể Đông, nơi mặt trời  mọc.Đoạn chảy qua giữa  huyện  , sông cuộn mình uốn thành ba khúc,không bờ ,tựa như cái nôi ,ôm trọn một  ngôi làng cổ  mang cái tên thật bình lặng:An Trì trang . Thuở  An Trì mới chỉ có hai xóm ,lơ thơ gần ba chục nóc nhà, cư dân ở đây quen gọi nôm na là xóm trên , xóm dưới  thì giữa làng còn có một gò đất sa bồi,cỏ hoang rậm rạp,chim chóc hàng đàn,chồn cáo từng bầy, rắn rết cả lũ...Một con lộ liên xã chạy từ tổng Hu Trì về  tổng Hạ Am ,gọi là đường cái Chợ Hạ  vắt qua gò đất giữa làng, mặc nhiên trở thành đường nối hai xóm nhỏ.Đường cái chợ Hạ vừa ra khỏi đất An Trì ,gặp dòng Vĩnh Tinh và một cây cầu  do dân hai làng An Trì và Cúc Thủy hợp sức bắc qua.Bên này cầu có  cái chợ tạm,dưới gốc một cây đa,chủ yếu bán thóc ,bán gạo,nên dân trong vùng thường gọi là chợ Cầu Gạo.
     Có đường cái quan chạy qua,có sông cận kề tiện cho thuyền bè xuôi ngược,có chợ ven làng,sản vật tươi tốt là điều kiện thuận lợi để cư dân An Trì đến được với nhiều vùng đất khác và sớm quan tâm đến việc học hành khoa cử. Một tấm bia đá hiện còn được lưu giữ tại làng An Trì  khắc tên một nho sinh dòng họ Nguyễn Đức  học giỏi,đỗ đạt cao,làm đến chức Tư lễ giám trong triều Lê Cảnh Hưng ( Lê Hiển Tông) giữa thế kỷ 18 là một minh chứng.
    Cùng thời,con cháu một số dòng họ khác trong làng cũng miệt mài sự học,nuôi dưỡng giấc mơ khoa bảng và có người đã đỗ đầu trong một kỳ thi Hương do quan đốc học huyện Vĩnh Lại châu Hạ Hồng đứng ra tổ chức. Đó là chàng trai dòng họ Nguyễn Công ở xóm trên.Vượt qua kỳ thi Hương ,chàng trai dòng họ Nguyễn Công  tiếp tục dùi mài kinh sử chuẩn bị văn bài cho kỳ thi Hội theo thông lệ sau đó vài năm.   Nhưng rồi giấc mơ khoa bảng của chàng trai họ Nguyễn Công đã tan thành mây khói bởi thời thế bỗng chốc đổi thay,gia cảnh gặp lúc sa cơ, bĩ vận...
   Trở lại những trang sử đáng buồn của đất nước thời  ấy.Thời của vua Lê chúa Trịnh bước đến giai đoạn suy tàn.Ông vua bù nhìn Lê Hiển Tông (1740-1786) nhu nhược không hề quan tâm đến chính sự mà chỉ nơm nớp giữ sao cho yên ổn tấm thân  trước sự lộng hành ngang ngược của ba đời  chúa Trịnh. Trịnh Doanh (1740-1767) dẫu còn trọng sự học và chủ trương chọn  người thực tài qua đường khoa cử ra làm quan  nhưng lại sớm qua đời ở tuổi 48. Trịnh Sâm lên ngôi chúa ,chẳng những không giữ được nghiệp thịnh của chúa cha,mà đã liên tục phạm những sai lầm khiến các bậc hiền tài  thất vọng , muôn dân  oán hận.Cuộc nội chiến Đàng Ngoài -Đàng Trong kéo dài cả trăm năm ,hao người tốn của ,một lần nữa lại được Trịnh Sâm đẩy lên đỉnh điểm bằng cuộc tấn công đánh chiếm đất Thuận Hóa của chúa Nguyễn Phúc Thuần khiến trăm họ thêm một lần điêu linh,cơ khổ.Tiếp đó là thói  xa hoa trụy lạc của Trịnh Sâm khiến phủ Chúa trở thành chốn ăn chơi nhớp nhúa và đầy rẫy mưu mô hiểm ác.Sử cũ chép rằng chỉ để chiều lòng  người đẹp Đặng Thị Huệ mà hàng năm Trịnh Sâm  tổ chức những đêm hội Long Trì  đón Tết Trung Thu tốn kém hàng  ngàn lạng vàng.Và cũng vì quá sủng ái bà Tuyên phi nhan sắc này mà Trịnh Sâm đã làm ngơ cho em trai và tình nhân của thị Huệ là Đặng Mậu Lân và Huy quận công Hoàng Đình Bảo thỏa sức vơ vét của cải , gây điều bạo ngược vô đạo khắp chốn kinh thành.Chính những hành động trái lẽ trời,mất lòng người của  Trịnh Sâm là  nguyên cớ tạo ra  bão táp cung đình ,đẩy nhà Chúa sớm đến ngày diệt vong.Trịnh Sâm bị bạo bệnh chết năm 1782.Trước đó, năm 1781, Trịnh Cán,con trai của Trịnh Sâm và Đặng thị Huệ lên ngôi  khi chúa cha còn sống vẫn bị  truất  rồi chết thảm.Cùng năm , Tuyên phi Đặng Thị Huệ bị phế xuống làm thứ dân và phải uống thuốc độc tự tử...Cuối cùng là đám  lính Tam phủ cậy công trừ họa Quận Huy, lật đổ Trịnh Cán đưa Trịnh Tông lên thay ngôi chúa... trở thành một lũ kiêu binh ngang ngược hoành hành khắp nơi ...
    Làng An Trì xa thành Thăng Long hai ngày xe ngựa nhưng những biến động chính trị ,xã hội  từ  kinh kỳ cũng bị tác động ít nhiều. Những bậc sinh đồ đang nuôi giấc mơ khoa bảng như chàng trai họ Nguyễn Công trở nên  bế tắc và thất vọng. Gần chục năm đợi kỳ thi Hội mà không có, đám nho sinh trong vùng chỉ còn cách ngậm ngùi bảo nhau :Theo gương  cụ Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm ở dưới Trung Am đời trước(1491-1585), vừa làm ruộng vừa mở lớp dạy học, chờ thời.Ngặt nỗi ,cả làng An Trì ngày ấy mới có chừng  ba chục hộ dân,nhà nào cũng đang oằn mình lo những khoản đóng góp cho phủ Chúa nên con trẻ chẳng thể học hành.Đến lượt mình chàng nho sinh Nguyễn Công đành phải chọn công việc cầm cày thay cầm bút.Công việc đồng áng thật chẳng dễ dàng gì đối với những người nho sinh mà người đời đã đặt thành vè:”Ai ơi đừng lấy học trò.Dài lưng tốn vải ăn no lại nằm” .May thay vẫn có cô thôn nữ cảm thông với người sĩ tử lỡ thời mà tình nguyện về làm vợ chàng ,chung vai gánh đỡ khó khăn...

   Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên để nhớ : Con trai đầu lòng của vợ chồng  người nho sinh Nguyễn Công làng An Trì sinh ra đúng vào năm Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ  nhà Tây Sơn đem quân từ Đàng Trong ra Thăng Long  lật nhào họ Trịnh(1786).Người con trai thứ hai của họ ra đời vào năm Mậu Thân(1788),cũng là năm Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc lần thứ 2 dẹp loạn lộng thần trong triều và củng cố lại chính sự Bắc Hà. Mấy tháng sau-đầu xuân Kỷ Dậu (1789)trên ngôi Hoàng đế Quang Trung, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc lần thứ 3 tiêu diệt 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh ,đuổi ông vua bán nước Lê Chiêu Thống ra khỏi bờ cõi ,thu  Đàng Trong ra Đàng Ngoài  của non sông Đại Việt về một mối.
      Tài dụng binh kiệt xuất và đức chiêu hiền đãi sỹ trọng thị của  vua Quang Trung Nguyễn Huệ không chỉ tạo niềm tin được giúp nước cứu dân đối với  nhiều chí sỹ ,danh tướng Bắc Hà  lúc bấy giờ như Ngô Thì Nhậm,Phan Huy ích,Ngô Văn Sở...mà còn nhen lại niềm hy vọng học hành khoa cử với các thế hệ nho sinh đang khắc khoải đợi thời.Có lẽ vì thế mà người nho sỹ làng An Trì gửi gắm niềm riêng vào việc đặt tên cho người con trai thứ 2 là CôngVọng chăng?    Chỉ biết rằng suốt thời ấu thơ, dẫu gia cảnh ngày một sa sút,anh em cậu bé Vọng vẫn được người cha dốc lòng dạy chữ Thánh hiền ,dạy đạo làm người quân tử...
      Nhưng rồi niềm hy vọng lớn lao củacon dân Đại Việt về sự đổi thay của đất nước dưới sự trị vì của vị Hoàng đế Tây Sơn kinh bang tế thế bỗng chốc sụp đổ.Năm 1792 Quang Trung đột ngột qua đời ở tuổi 40 giữa lúc những cải cách lớn lao nhằm chấn hưng đất nước của ông còn dang dở.Vua con Quang Toản ít tài không thể đương đầu nổi với  chúa Nguyễn cuối cùng của Đàng Trong (Nguyễn Ánh )mà người đời sau luận tội là đã“cõng rắn cắn gà nhà” .Sau mười năm nội chiến tàn khốc,hơn một thế kỷ tiếp theo ,con dân Đại Việt phải chịu cảnh lầm than dưới sự trị vì của  triều vua mới họ Nguyễn” tội nhiều,công ít”và sau đó là ách thống trị tàn bạo của bọn đế quốc ngoại bang.
   Chưa hết buồn vì vận nước đến hồi bĩ cực thì chàng nho sinh Nguyễn Công lại gánh nỗi đau mất mát trong nhà.Năm cậu bé Vọng vừa tròn 7 tuổi thì người mẹ hiền thục tảo tần  từ bỏ cõi trần .Rồi liên tiếp mấy năm ông trời gieo họa:hạn hán , lũ lụt ,bão gió ...khiến khắp vùng mất mùa,nhà nhà đứt bữa...Người cha gồng mình trong cảnh” gà trống nuôi con”thêm 7 năm thì  sức cùng lực kiệt cũng phải vĩnh  viễn xa lìa  các con trong nước mắt.Đó là năm 1802 –năm cuối cùng của triều Tây Sơn  ngắn ngủi niềm vui ,năm bắt đầu của triều Nguyễn dằng dặc nỗi buồn.Cũng từ năm ấy ,ở làng nhỏ An Trì ,hai đứa trẻ mồ côi cũng bắt đầu sống trong tháng ngày đói rách cơ hàn...Những dòng chữ Hán của cụ Nguyễn Xuân Ước chép rằng:Từ khi cha mất , cứ đến kỳ giáp hạt mấy anh em Công Vọng đều phải mang rá đi vay gạo khắp làng .Và mỗi độ đông về anh em họ lại phải gom lá khô kết lại từng tấm trải dưới đất làm chiếu,phủ lên người làm chăn chống chọi với cái lạnh thấu xương...
   Cho đến một ngày đầu xuân, nhìn bồ thóc trong nhà chỉ còn vài đấu,người anh xót xa nói với người em rằng:
    -Năm nay mất mùa cả làng đói kém,có đi vay nữa cũng chẳng ai cho .Số thóc trong bồ , chỉ một mình em ăn dè sẻn cũng khó sống nổi qua kỳ giáp hạt .Chi bằng để anh  đi đâu đó làm mướn kiếm thêm ... Nếu ông trời phù hộ không chết đói dọc đường,khi nào lúa đồng vào hạt anh sẽ trở về...
     Mấy ngày ,rồi  mấy tháng sau,cứ chiều chiều người em lại ra đứng ở đầu cầu Gạo nhìn về cuối con đường chợ Hạ ,phấp phỏng niềm hy vọng :anh trai trở lại.Nhưng đến tận mùa lúa  chín năm ấy và cả mấy mùa lúa chín năm sau,người em cứ ra cầu Gạo chờ đợi ,mà người anh vẫn chẳng thấy đâu...
     Từ khi người anh  ra đi ,một mình người em côi cút  tiếp tục với công việc trồng cấy ,mò cua bắt ốc nuôi thân.Gặp năm mưa thuận gió hòa,có bát ăn bát để ,nhớ lời cha dặn,chàng trai lại miệt mài  với đèn sách bút nghiên gìn giữ nếp nhà.Nhưng đến năm người em bước sang tuổi 22,trời lại giáng họa  lũ lụt trắng đồng.Mảnh ruộng trũng Láng Đông của cha mẹ để lại ngập sâu trong sóng nước suốt mấy tháng hè khiến công sức cấy trồng cả vụ trôi xuống sông,xuống bể . Lại cạn thóc trong bồ.Lại muối mặt vác rá đi vay.Cũng có người thương tình đỡ đần củ khoai bát gạo độ nhật.Nhưng cũng có kẻ vừa xua tay từ chối vừa mỉa mai xóc óc câu vè:”Nhất sỹ nhì nông.Hết gạo chạy rông .Nhất nông nhì sỹ...”
     Đói khát,tủi hổ và cả nỗi khắc khoải phải tìm lại người anh khiến chàng trai Nguyễn Công Vọng quyết lòng dứt áo xa làng ...Đó là năm Canh Ngọ(1810)-năm mà sử sách còn chép về một trận lũ lụt kinh hoàng ở đồng bằng bắc bộ...
  
           *    Xa hương mấy chục năm trời
       Suốt mấy năm,cái bóng liêu xiêu của người anh  khuất dần phía cuối con đường chợ Hạ lúc chia tay  luôn là nỗi ám ảnh người em .Và cuộc đi này người em cũng  đưa chân theo con đường người anh đã đi :Đường cái quan qua chợ Hạ.Vừa đi vừa làm mướn kiếm ăn.Vừa đi vừa dò lần tin anh...Đi mãi,đi mãi ,người em đã vào  đến đất  Thanh Hóa.
    Đó là một  chiều mùa đông rét mướt.Người em dừng chân trước một ngôi nhà ven làng gần biển. Thấy có chàng trai đứng co ro ở cổng ngập ngừng như muốn bầy tỏ điều gì,chủ nhà sai cô con gái chừng 14 tuổi ra hỏi. Chàng trai xin được vào nhà và đề nghị được làm mướn độ nhật.Ngắm gương mặt khôi ngô sáng sủa,nghe lời ăn tiếng nói khoan hòa chừng mực của chàng trai lạ ,ông chủ nhà họ Phan chấp nhận lời đề nghị để anh ở lại giúp việc dỡ khoai mấy ngày.Những ngày  làm mướn,chàng trai Nguyễn Công Vọng bắt đầu chiếm được cảm tình của ông chủ bởi tính hiền lành ,đức chịu thương chụi khó của mình.Đã hết khoai để dỡ, chủ nhà ngỏ ý lưu khách ở lại giúp việc làm đất ,trồng cấy vụ sau...
     Thấm thoắt mùa đông năm cũ sắp qua,mùa xuân năm mới sắp đến. Một ngày giáp Tết chủ nhà đưa cho chàng trai  chút ít tiền công  khuyên anh đi chợ mua tấm vải về may bộ quần áo mới.Đi cùng anh giúp việc mua vải là cô bé Nhàn 14 tuổi,con gái lớn của chủ nhà.Trưa hôm ấy từ chợ về, không thấy anh chàng làm mướn và con gái mang theo vải .Chủ nhà ngạc nhiên gặng hỏi con gái mới biết, đến chợ chàng trai kiên quyết từ chối việc may sắm quần áo mới mà muốn giữ lại số tiền ít ỏi phòng khi phải rời nơi này đi kiếm ăn nơi khác.Vậy mà chàng trai  vẫn bớt tiền ra mua một tờ giấy hồng điều,mấy tập giấy bản ,cây bút lông và thỏi mực nho. Cả nhà chưa biết người làm mướn mua những thứ ấy làm gì thì  sau bữa cơm trưa,anh  mài mực nắn nót viết lên tờ giấy hồng điều 3 chữ Hán khá to.Viết xong, chàng trai cung kính đưa cho ông chủ tờ giấy với lời phân trần:
   -Cháu còn sống được đến ngày hôm nay là nhờ ân đức của ông bà . Vậy nên  cháu xin được tự tay viết dâng gia đình ta ba chữ ĐỨC LƯU QUANG gọi là chút quà mừng năm mới.
   Rồi chàng trai giải thích ý nghĩa của 3 chữ ấy thật khúc chiết.Cả nhà nhìn chàng trai với ánh mắt vô cùng ngạc nhiên.Ông chủ cầm tờ giấy điều lên ngắm nghía hồi lâu rồi buột miệng hỏi:
    -Vậy thực ra cháu  là ai? Cháu  không giống những người làm mướn vẫn qua lại đây .Từ khi cháu đến ,bác đã cố gắng xét đoán ,nhưng đến hôm nay mới vỡ lẽ...
    Chàng trai vẫn khiêm nhường :
  -Thật sự cháu vẫn là người làm mướn.Chỉ có điều sức vóc cháu có hạn nên  đã đi qua nhiều vùng đất mà không nhà nào muốn mướn cháu lâu.Gia đình mình còn giữ cháu lại đến bây giờ là phúc cho cháu lắm rồi...
    Ông chủ họ Phan  nhẹ nhàng:
  -Anh không muốn để lộ danh phận,ta cũng không ép .Nhưng ta muốn giữ anh ở lại đây thêm một thời gian nữa vừa làm công vừa tranh thủ dạy chữ cho anh em con Nhàn và mấy đứa trẻ con bác nó ,anh tính sao?
   Chàng trai quỳ xuống trước mắt ông chủ rưng rưng  trả lời:
  -Ông bà cho ở lại tiếp tục làm công, cháu vui một,lại được làm gia sư cho các em ,khiến cháu vui mười...
   Từ sau buổi tối hôm đó,thân phận của chàng  trai Nguyễn Công Vọng bắt đầu thay đổi. Anh  được mọi người trong nhà ông chủ họ Phan đối xử như  thân thuộc và có ý vì nể. Đáp lại tình cảm của gia chủ anh chẳng những siêng năng công việc ruộng vườn hơn mà còn dồn hết tâm sức vào việc dạy chữ cho mấy đứa trẻ.
   Học theo cách của người cha dạy mình năm trước,anh tìm cách truyền thụ sao cho học trò vừa hứng thú vừa nhớ lâu.Ví như ,khi dạy đến chữ Sơn anh vẽ ngọn núi 3 ngọn rồi giải thích cách viết của người Hán theo lối tượng hình.Dạy đến chữ Hảo,anh nhấn mạnh đến ý nghĩa của tình mẹ con và lý giải sự hình thành của chữ này gồm  chữ mẫu và chữ tử đứng bên nhau theo lối hội ý.Để dạy một chữ khác, anh kể một câu chuyện lịch sử khá thú vị,khiến trò phải tròn mắt lắng nghe.Chuyện rằng,cậy thế nước lớn,trước khi vào chầu vua Đại Việt ,sứ giả bên tầu  gửi đến triều đình bên ta một  câu đố gồm mấy dòng rắc rối và ngông ngạo như sau:”Lưỡng nhật bình đầu nhật.Tứ sơn điên đảo sơn.Lưỡng vương tranh nhất quốc.Tứ khẩu tung hoành giang.”Buổi tiếp sứ tầu ở dịch quán,trong khi hắn đang dương dương tự đắc đòi quan triều Đại Việt giải câu đố hiểm hóc hôm trước thì bất ngờ  một sinh đồ Đại Việt chừng hơn 10 tuổi bước ra nhúng tay vào chén trà viết lên bàn  chữ Điền thật to.Rồi cậu bé giải thích lưu loát cách chiết tự từ chữ Điền thành 2 chữ Nhật,4 chữ Sơn,2 chữ Vương và 4 chữ Khẩu ...khiến sứ tầu dẫu bẽ mặt cũng không thể không buông một lời khen:Nước Nam quả lắm người tài.
    Vậy là thầy chỉ dạy 1 chữ mà trò nhớ thêm 4 chữ cùng câu chuyện lịch sử thú vị và đầy ý nghĩa...
    Sau này sự nghiệp dạy chữ của thầy đồ Nguyễn Công Vọng còn lưu truyền nhiều chuyện vui nữa .Nhưng vào thời điểm ấy,nết ăn ở,sự hiểu biết của anh đã khiến ông chủ họ Phan đã nghĩ đến một điều khác.
     Một hôm, khi trong nhà chỉ còn hai người ông ngỏ lời muốn nhận anh làm con nuôi và san cho một vạt đất tự làm ăn tích vốn.Chàng trai nói lời cám ơn ông chủ nhưng chỉ nhận làm con chứ quyết không nhận đất.Bởi lẽ trong lòng anh vẫn không lúc nào nguôi nỗi nhớ về  làng An Trì,nơi có mộ phần của cha mẹ và ngôi nhà mà anh nghĩ người anh trai chắc đã trở về. Thấu tỏ nỗi lòng của chàng trai,ông chủ họ Phan không nói đến chuyện tặng đất mà dự liệu để anh sớm được trở lại quê hương.Nhưng cũng phải mất gần 4 năm gom góp vốn liếng, ý nguyện của chàng trai Nguyễn Công Vọng mới trở thành hiện thực.Chuyến trở lại quê hương lần nàycủa anh còn có ông chủ họ Phan đi cùng.Ông muốn biết thêm một vùng đất và cũng vì muốn hiểu  gốc tích của chàng trai mà ông  yêu  quý và muốn gửi gắm  điều thầm kín.
     Mùa xuân năm Giáp Tuất(1814) hai bác cháu khăn gói quả mướp,  đằng đẵng  5 ngày đi bộ thì về đến  An Trì. Dấu ấn của những năm mất mùa vẫn còn in đậm trên mỗi nếp nhà, mỗi gương mặt người làng.Ngôi nhà tranh vách đất của cha mẹ để lại đã trở nên hoang phế,cỏ dại mọc đầy ,chuột bọ ,chim chóc biến thành nơi trú ngụ của chúng.Người anh thì vẫn bặt vô âm tín.Nỗi đau nhà tan cửa nát chồng lên nỗi đau mất thêm người thân,khiến chàng trai Nguyễn Công Vọng  đành gạt nước mắt  ra đi lần nữa...Theo lời khuyên của người cha nuôi ,anh trở lại Thanh Hóa.
    Vẫn  làng An Trì gắn bó suốt thời thơ bé. Vẫn con đường cái chợ Hạ thân thuộc ngày nào.Vẫn dòng Vĩnh Tinh giang khi đầy khi vơi ... Vậy mà lần ra đi này,đôi chân  sao thấy nặng,con tim sao thấy đau,đôi mắt sao thấy xót...Đó là tâm trạng,là linh cảm đớn đau mà mãi mấy chục năm sau,về lại quê hương lần thứ hai khi đã bước qua tuổi 60, ông lão Nguyễn Công Vọng mới  kể lại với con cháu ...
    Nỗi đau lần nữa xa làng của chàng trai Nguyễn Công Vọng lại là niềm vui của con  cháu ông chủ họ Phan.Họ lại được anh dạy chữ,được nghe anh kể chuyện gần ,chuyện xa và cả chuyện đời xưa. Người vui nhất chính là cô bé Nhàn ,năm ấy vừa bước sang tuổi 18.Dẫu không dám nói ra nhưng cô đã thầm yêu trộm nhớ người con trai làm mướn ở nhà mình từ sau buổi chợ Tết năm nào.Có lẽ vì thế suốt mấy năm bao nhiêu chàng trai trong vùng đến cầu thân ,cô đều thờ ơ.Bao nhiêu người nhờ mối manh xin cưới cô đều từ chối.Cô lặng lẽ chăm chút người anh nuôi và âm thầm chờ đợi hết năm này qua năm khác.Cha mẹ cô biết điều ấy. Chàng trai Nguyễn Công Vọng cũng cảm nhận được điều ấy.Nhưng phần vì mặc cảm thân phận,phần vì niềm hy vọng mong manh sẽ có ngày trở về quê hương vẫn luôn canh cánh khiến anh chưa thể vượt qua...
    Cho đến năm Canh Thìn(1820)bỗng dưng có chuyện xảy ra đối với cô Nhàn khiến anh không thể cầm lòng.Một ngày xuân,theo lệnh của triều đình Huế,cả nước phải tổ chức lễ  mừng vua Minh Mạng mới lên ngôi.Chị  em nhà họ Phan được một phen tả tơi lúc len vào xem hội làng bên .Trên đường  về  cô Nhàn xinh đẹp còn bị đám con trai trong vùng xúm đến giữ chân buông lời trêu ghẹo.Trong lúc bí bách ,cô Nhàn đành chỉ vào người anh nuôi đến  “ phá vây” cho mình mà nói rằng :
   -Tôi là gái đã có chồng...
     Dứt lời cô Nhàn ôm lấy anh Vọng khóc nức nở khiến đám con trai bẽ mặt mà lủi dần .Về đến nhà, cô Nhàn chui vào trong buồng khóc thút thít một mình.Bữa tối ,mọi người gọi thế nào cô cũng không chịu ra ăn.Biết được sự tình ,người mẹ buộc phải hỏi chàng trai về mối lương duyên mà họ muốn xe cho anh cùng cô con gái.Chàng trai chỉ còn biết thành kính nhận lời. Và họ đã nên vợ nên chồng từ mùa xuân năm đó.
    Một năm sau người con trai đầu lòng của họ chào đời tại ngôi nhà mới mà cả họ ngoại góp công góp của dựng cho.Chàng rể muốn nhờ ông ngoại đặt tên.Mọi người trong nhà lại muốn thầy Vọng hay chữ chọn cho bé một cái tên thật ý nghĩa.Mấy ngày sau,đứa trẻ đã đươc đặt tên là Nguyễn Xuân Thanh với lời giải thích  như sau : Cháu mang tên  vùng đất ân nghĩa xứ Thanh,còn đệm của cháu là ước mơ về những điều tốt đẹp vĩnh hằng mà mùa Xuân đem đến.
     Xuân nọ nối xuân kia.Khi vòng lịch Hội trở lại năm Mậu Thân(1848) ,cũng là năm chàng trai Nguyễn Công Vọng ngày nào biến thành ông lão Vọng 60 tuổi tròn.Nhiều người trong các lứa học trò của ông ở vùng đất hẻo lánh  Thanh Hóa đã đỗ đạt.Thời ấy dân trong vùng truyền với nhau câu :”Học thầy khóa Vọng ,có lọng che đầu”.Đó  là một lời khen ,là lòng ngưỡng mộ mà không phải  người thầy nào cũng có được.Thực ra không phải ai học thầy khóa Vọng cũng ra làm quan để có lọng che đầu .Nhưng việc học và đạo học để thành người có ích cho đời mà ông hằng ấp ủ đã thành hiện thực ở nơi xa xôi này.
     Cũng mùa xuân năm 1848 ấy, nhìn người con trai cả thay mình dạy lứa học trò mới trong nhà ,ông đã yên lòng để công bố với cả gia đình một quyết định mà ông nghiền ngẫm từ rất lâu .Nhằm ngày Tết Nguyên tiêu ,ông tổ chức mâm cỗ cúng to hơn hẳn mọi năm .Sau lễ khấn bái tổ tiên ,bên đông đủ các con các cháu ,ông chậm rãi kể hết nguồn cơn từ thuở xa làng .Cuối cùng ông quay sang phía bà Nhàn ngậm ngùi mà nói rằng:
    -Có câu :Cáo chết 3 năm quay đầu về núi...Đến con vật dấu chết cũng còn hướng về nơi nó sinh ra huống hồ là con người.Đáng lẽ tôi phải trở về nơi chôn rau cắt rốn từ nhiều năm trước.Nhưng  ân nghĩa của bà ,của mảnh đất này đã níu chân tôi lại.Nay ông bà ngoại các cháu không còn, tôi cũng đã bước sang tuổi lão,nên không thể  lân khân được nữa...
   Dừng lời một lát nhìn mọi người, ông tiếp:
   -Hai con Thanh và Tịnh đã có vợ  con,có  nhà cửa ruộng vườn nên vẫn ở lại đây phụng dưỡng mẹ,hương khói cho ông bà ngoại.Thày sẽ chỉ đưa em Đơi về cùng...
    Ông nói đến đây thì cả nhà òa lên khóc .Mấy đứa cháu nội cùng ùa lên ôm chân ông mà rằng:
    -Chúng cháu cũng muốn theo ông về quê ...
   Đêm ấy cuộc trò chuyện bàn bạc của cả nhà đến tận  gà gáy mới xong.Mấy ngày sau cuộc hồi hương của ông Nguyễn Công Vọng không chỉ có anh con út 21 tuổi Nguyễn Xuân Đơi mà con thêm cậu bé 6 tuổi Nguyễn Xuân Uấn ,con người trai cả Nguyễn Xuân Thanh và cậu bé 4 tuổi Nguyễn Xuân Tuất ,con người trai thứ hai Nguyễn Xuân Tịnh.
       Khai hoang mở xóm xây nền muôn Xuân
    Lại có một sự trùng hợp đáng nhớ nữa .Đó là cuộc thiên di của 4 người khởi thủy dòng họ mới Nguyễn Xuân về làng An Trì lại trùng năm vua Tự Đức lên ngôi thay vua Thiệu Trị(1848).Nếu tính từ năm vua Gia Long lên ngôi (1802)đến thời vua Tự Đức,đất nước dẫu vẫn rất nghèo nàn lạc hậu nhưng đã liền một dải và có một triều đình thống nhất tổ chức bộ máy cai trị từ trung ương tới địa phương .Ngoại trừ một số vùng xảy ra khởi nghĩa nông dân ,đây vẫn là giai đoạn lịch sử  được ghi trong chính sử là  “Nhà Nguyễn thời kỳ độc lâp”tạm yên hàn , người dân tạm an cư ,việc đi lại giữa các vùng cũng đã bớt khó khăn cách trở.Từ Thanh Hóa về quê Vĩnh Lại , Hải Dương (đơn vị hành chính được chia lại từ năm Tân Mão 1831 ,thời vua Minh Mạng)đã có một vài trạm xe ngựa đón đưa khách bộ hành.Nhờ thế, thay vì cuốc bộ năm ngày lần về quê mấy chục năm trước,lần này ông Nguyễn Công Vọng và con cháu khi được lên xe  ,khi xuống đi bộ ...cho đến lúc chạm bàn chân lên cầu chợ Gạo là trọn ba ngày.Lại nữa,về quê lần này,ông cháu họ mang theo số tiền đủ để làm lại nhà tậu lại ruộng tạo dựng cơ nghiệp lâu dài...
     Quá nửa người  làng An Trì không biết ông cháu họ là ai.Chỉ mươi người tuổi ngoài 60 mãi mới nhận ra ôngVọng ngày xưa.Cũng phải thôi ,đã gần bốn chục năm trời, người cùng thời với ông còn sống đã coi là thọ.Những người sinh vào những năm ông ra đi cũng đã bước qua tuổi trung niên huống hồ lứa trẻ mới lớn sau này.Cứ như là chuyện cổ xưa kể về ông Từ Thức một ngày lạc bước qua cửa Thần Phù trở lại trần gian...Thế nên,nền đất của ngôi nhà xưa cha mẹ để lại người khác đến ở ông Vọng cũng không nỡ đòi.Thửa ruộng Láng Đông mấy anh em  đã từng cấy trồng bây giờ thành của người khác ông cũng không dám hỏi. Đành phải dắt con,dắt cháu lên quan kể lại sự tình và xin được khai hoang dựng nhà ,mở đất làm ăn.May sao quan là người  thấu hiểu nhân tình thế thái đã bút phê theo ý nguyện của ông.Vậy là khu đất sa bồi hoang hóa giữa xóm trên và xóm dưới của làng An Trì được cấp cho mấy ông cháu mới hồi hương tự khai khẩn dựng nhà ,vỡ ruộng. 
    Là thầy đồ lại có chút hiểu biết về địa lý ,ông Vọng đã chọn khu đất cao ráo vuông vắn hình cái ấn để phát cỏ,chặt cây đắp bờ vun luống trồng khoai .Đồng thời ông mua tre làm cột,đắp đất làm tường,buộc rạ lợp mái dựng ngôi nhà nhỏ ngay bên mảnh vườn ấy. Ngôi nhà đầu tiên của bốn ông con mở hướng đông nam , ngắm mặt trời mọc ,lắng tiếng cá quẫy từ cái vụng hình ông trăng khuyết tạo bởi dòng sông Vĩnh Tinh trước cửa vọng về . Người dân trong làng quen gọi cái vụng nước này dại Gốc Sắn.Khi ấy dại vẫn còn um tùm cỏ sậy nhưng cũng là chốn cá tôm tụ về nương náu sinh sôi .Nhận thấy dại Gốc Sắn chính là nơi có thể tìm nguồn sống những ngày đầu trở lại quê nhà, ông Vọng tìm chỗ buộc chiếc vó bè nho nhỏ ,chọn luồng nước triều lên xuống đặt cái đó ,cái đăng . Sáng sáng,mỗi khi gà gáy sang canh anh con út bơi thuyền đi đổ đó,cũng là lúc người cha ra hạ vó đợi may...Chiều chiều ,lúc gà về chuồng hai cha con lại tiếp tục công việc như buổi sáng...Ngày qua ngày công việc đánh bắt cá tôm ở dại Gốc Sắn đã giúp cha con ông có tiền mua gạo ,mua thóc giống gieo cấy ở những vạt ruộng bên sông mới được vỡ hoang...Loài lúa ré chụi nước hợp những chân ruộng trũng,hạt to có râu ,nấu cơm vừa thơm vừa dẻo do ông Vọng chọn gieo từ ngày ấy còn được mọc ở nhiều dại khác của làng An Trì đến mãi sau này.
   Thoắt đó mà đã 7 năm ông Nguyễn Công Vọng dắt con ,dắt cháu về làng.Đó là khoảng thời gian mà người trong vùng chứng kiến mảnh đất hoang giữa làng An Trì  đổi  thay từng ngày .Không thể tính được công sức mà 4 ông cháu đã bỏ ra để khai sinh cho mảnh đất này.Chỉ biết rằng từ một vùng gò cao xen vũng thấp cỏ dại lút đầu đã thành những chân ruộng, mảnh vườn tươi tốt quanh năm,hoa thơm quả ngọt bốn mùa .Đến mùa xuân năm Ất Mão ,ông cháu cụ Vọng dựng thêm hai ngôi nhà tre ba gian xinh xắn gần ngôi nhà cũ.Một ngôi là tổ ấm của anh Nguyễn Xuân Đơi và cô con dâu út Đỗ Thị Kim,người huyện Thanh Hà.Một ngôi là nơi ông mở lớp dạy học.Học trò đầu tiên là hai cháu nội,rồi đến trẻ trong làng .Dần dà nhiều người trong vùng biết tiếng cụ đồ Vọng cũng đưa con cháu đến xin được làm môn sinh.
    Không chỉ  dạy chữ cho con trẻ mà thầy đồ Vọng còn giang tay giúp đỡ những người khó khăn cơ nhỡ như để tri ân cha mẹ nuôi thuở trước. Trong số những mảnh đời đáng thương được thầy đồ Vọng giúp đỡ qua lúc cơ hàn đã có  người trở thành cháu nuôi trong nhà như các anh :Nguyễn Xuân Đuấn,Nguyễn Xuân Tưng,Nguyễn Xuân Từng,Nguyễn Xuân Tộ . Đầu năm Đinh Tỵ có ông Đoàn Kim,lính của triều đình nhà Nguyễn vừa giải ngũ ,nghe tin cụ Vọng là người nghĩa hiệp, nhân đức đã bỏ quê xa tìm đến An Trì xin được khai khẩn đất hoang , làm ruộng dựng nhà ở gần mấy ông cháu.Vậy là đến năm ấy  giữa làng An Trì có 4 nóc nhà,với hai dòng họ sinh sống.
       Một sáng từ chợ Hạ về đến cầu Gạo  ngắm cảnh vật,ruộng vườn và 4 nóc nhà quây quần bên nhau cụ Vọng bỗng nảy ý vui.Mấy hôm sau cụ lên quan sở tại cùng với bản sớ xin được ghi vào địa bạ của làng An Trì thêm một xóm mới với cái tên nôm: Xóm Giữa.Đồng thời cụ cũng xin quan cho phép dựng một ngôi đình ở phía tây giáp với xómTrên làm nơi tế lễ hội họp của dân, thờ cúng Thần hoàng làng .Quan đã bút phê đồng ý với cụ .Vậy là xóm Giữa làng An Trì bắt đầu có tên từ năm Đinh Tỵ (1857).
       Một năm sau -năm cụ Nguyễn Công Vọng tròn 70 tuổi- ngôi  đình nhỏ mang tên đình Trên cũng được dựng lên.Có nơi thờ cúng và tế lễ ,cụ Vọng bàn với các bô lão trong làng chọn ngày Xuân mồng 10 tháng 3 và ngày Đông 24 tháng 11 hàng năm là ngày Khánh tiết Thần hoàng làng.Cho đến tận ngày nay làng An Trì vẫn giữ nếp 3 xóm từ ngày xa xưa ,vẫn còn dấu vết của ngôi đình Trên ... nhưng có lẽ ít người biết sự tích ra đời của ngôi xóm giữa làng gắn với cuộc đời chìm nổi của người đã sáng nghiệp dòng họ Nguyễn Xuân cách nay đã 155 năm...
    Ngoài việc dựng ngôi đình ,cụ Vọng còn chọn đất xây mấy cái miếu vừa nhằm đánh dấu địa giới của xóm, vừa với tâm nguyện được các vị  thổ thần cai quản mảnh đất phù hộ độ trì, che chở cho cư dân sinh sống ở đây.Trong số những ngôi miếu xây từ ngày ấy có miếu Ông Đống Sành nằm bên đường cái chợ Hạ,dưới một gốc cây,nổi tiếng linh thiêng,trở thành nơi dừng chân cầu phúc của khách thập phương qua lại.Ngôi miếu ấy sau này còn được trồng thêm 2 cây bồ đề gai ,an lạc đến cuối thế kỷ 20 mới bị san đi làm mặt bằng cho con đường bê tông chạy giữa làng bây giờ.
    Tận đến khi tuổi đã qua kỳ thất thập , cụ Vọng vẫn rất tận tâm với công việc của xóm làng .Cụ không chỉ được con cháu trong nhà , các lứa học trò khắp vùng kính trọng mà còn được người trong làng tin yêu.Ngay  như cô bé Nguyễn Thị Diêm,nổi tiếng xinh đẹp nết na của dòng họ Nguyễn Đức chỉ vì ước muốn được trở thành cháu dâu cụ Vọng mà đã lần lượt chối từ lời cầu hôn của bao chàng trai giỏi giang trong làng ,ngoài tổng.Đám cưới của anh Nguyễn Xuân Uấn và người đẹp họ Nguyễn Đức được tổ chức rất trọng thể vào mùa xuân năm Quý Hợi(1863).Một năm sau cụ Vọng đã có  chắt nội.Đó là một bé trai khôi ngô tuấn tú,đúng như mơ ước của cụ.Chắt đã được cụ chọn đặt tên là: Nguyễn Xuân Ước.Đó là năm Giáp Tý (1864),cũng là năm hai chí sỹ Phạm Phú Thứ ,Nguyễn Trường Tộ du học ở phương tây về dâng  vua Tự Đức kế sách canh tân đất nước theo gương Nhật Bản,Thái Lan ...Nhưng những chủ trương cải cách ấy đã bị các đình thần thủ cựu trong triều cho là bàn nhảm ,nói càn và nhà vua cũng không chấp nhận.Trong khi trên thế giới nhiều nước đã chuyển sang thời kỳ tư bản chủ nghĩa với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật thì Việt Nam vẫn chìm trong đêm trường phong kiến , ngày càng nghèo nàn, lạc hậu và cuối cùng bị rơi vào ách thống trị của thực dân Pháp  bằng 2 hòa ước Quý Mùi năm1883 và hòa ước Pa-tơ- nốt năm 1885 ngay sau khi vua Tự Đức qua đời.
    Tin vui cậu bé Nguyễn Xuân Ước ra đời bay đến tận xứ Thanh.Cuối năm ấy ông nội Nguyễn Xuân Thanh của bé lặn lội tìm về An Trì .Đây cũng là lần đầu tiên ông biết quê cha đất tổ và được gặp  lại những người ruột thịt sau 16 năm đằng đẵng chia xa  . Buổi tối đầu tiên,hai cha con nằm bên nhau nghẹn ngào tâm sự thâu canh. Người bố kể bao chuyện đổi thay của gia đình ở Thanh Hóa:Rằng mẹ Hạ đã sinh  thêm em gái Nguyễn Thị Nhỡ và em trai Nguyễn Xuân Đạt .Mấy năm mùa màng tươi tốt,bố vừa làm nông vừa mở lớp dạy học cho hơn hai chục học trò nên trong nhà đã có chút của ăn của để.Rằng mẹ Hạ hằng đêm vẫn thổn thức nhớ con .Nhiều lần mẹ Hạ vừa khóc vừa hỏi :không biết ở ngoài ấy mọi người có được đủ ăn đủ mặc ,con trẻ có được học hành ?
     Sau gần một tháng lưu lại ở An Trì,cuối tháng Chạp ông Thanh mới trở lại Thanh Hóa .Chuyện về người cha đầy nghị lực mở đất lập nên một xóm quê trù phú, nền nếp giữa làng An Trì,chuyện về chú Đơi đã yên bề gia thất,chuyện về cô con dâu dòng họ Nguyễn Đức xinh đẹp nết na,về đứa cháu nội kháu khỉnh,chuyện về anh Tuất ,con trai cả ông Tịnh cũng đã ra dáng một chàng trai... ông Thanh kể đi kể lại suốt những ngày Xuân khiến cụ Nhàn ,bà Hạ,vợ chồng ông Tịnh và con cháu trong nhà còn thấy vui hơn Tết...
         Nhưng niềm vui chưa kịp lắng thì nỗi buồn bỗng nhiên ập đến.Giữa tháng 3 ,tin dữ từ An Trì đưa đến:Anh Uấn bỗng mắc trọng bệnh .Vây là ông Thanh lại phải vội vã lên đường.Ông về đến An Trì vào ngày 23 tháng 3 năm Ất Sửu (1865)thì 2 ngày sau người con trai trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 21,để lại người vợ trẻ và cậu con trai chưa đầy một tuổi.Ông Thanh chỉ thể ở lại An Trì 4 tháng rồi  phải trở về xứ Thanh ,nơi cụ Nhàn và mọi người trong ấy vẫn đang khắc khoải ngóng tin  anh Uấn ngoài này từng ngày,từng giờ.
     Sự ra đi quá sớm của người cháu đích tôn khiến một lần nữa công việc gia đình lại đè nặng trên đôi vai  ở tuổi 77 của cụ Nguyễn Công Vọng.Ngoài việc lo toan gìn giữ nếp nhà cụ Vọng vẫn giành nhiều tâm sức để dạy dỗ cháu Tuất và chắt Ước.May thay cháu dâu là người chịu thương chịu khó và nhất mực trung trinh thờ chồng nuôi con nên đã an ủi và đỡ đần được cụ rất nhiều.
     ...Chuyện kể rằng ,góa chồng ở  tuổi 20 , lại có sắc đẹp hơn người khiến cô Nguyễn Thị Diêm vẫn được nhiều cậu ấm con nhà giầu và một vài chức sắc trong vùng theo đuổi.Có người đã nhờ đến mối manh xin cưới hỏi nhưng người góa phụ trẻ này quyết chẳng nhận lời.Thậm chí mỗi khi có công có việc phải ra khỏi làng cô Diêm đều xin với cụ Vọng cho hai người em nuôi  Xuân Từng và Xuân Tộ đi cùng. Một lần cô Diêm xuống chợ Hạ,có gã lý trưởng giầu có lẵng nhẵng bám theo tán tỉnh. Thấy người đẹp chỉ cúi mặt không hề đáp lời ,gã toan dở trò sàm sỡ.Nào ngờ Xuân Từng và Xuân Tộ như từ trên trời rơi xuống đánh cho gã lý trưởng háo sắc một phen nhừ tử.Trận đòn đánh kẻ cậy tiền, cậy quyền trêu ghẹo người đẹp giữa chợ Hạ hôm ấy chẳng những loang đi khắp vùng mà còn  được thêu dệt thêm một vài tình tiết ly kỳ khiến người từ đời ấy kể mãi và người đời nay vẫn còn lưu truyền...
   Còn nhiều chuyện rất cảm động về nết ăn ở,cách dạy dỗ con cháu và  việc đối nhân xử thế mà người cháu dâu thảo hiền của cụ Nguyễn Công Vọng để lại tiếng thơm cho đời .Chính vì thế khi qua đời ở tuổi 51,bà Nguyễn Thị Diêm đã được triều đình nhà Nguyễn phong tặng 4 chữ vàng:TRUNG HẬU TIẾT TRINH.
    Xin được trở lại với nhân vật chính của câu chuyện là cụ Nguyễn Công Vọng mà tôi đang kể.Từ sau cái chết của người cháu đích tôn,nỗi buồn và gánh nặng gia đình đã khiến sức khỏe của cụ Vọng bắt đầu giảm sút.Dẫu vậy 4 năm sau ,ở tuổi 81 ,cụ vẫn dựng thêm một ngôi nhà mới để cưới vợ cho cháu Tuất .Mấy tháng sau tin vui ấy cũng đến được Thanh Hóa .Cuối năm sau (1870 ), ông Nguyễn Xuân Tịnh mới có thể thu xếp về quê mừng cho con trai.Hành lý mà người con thứ hai của cụ Vọng mang về làm quà là những túi cá biển chim ,thu ,nhụ, đé... phơi khô .Thì ra vợ chồng ông Tịnh đã đóng được thuyền  đánh cá , quanh năm lênh đênh mưu sinh ở ngoài biển cả.Hai người con của họ là Nguyễn Thị Mùi và Nguyễn Xuân Định ở nhà được bà Nhàn trông nom và ngày ngày sang bác Thanh học chữ cùng đám trẻ trong vùng...
     Cũng như bác cả,về lại xứ Thanh,chuyện về người thân và xóm  làng ông Tịnh kể hoài,kể mãi .Thay vì đằng đẵng gần 20 năm của lần về thứ nhất ,hai ông ấn định 5 năm sau sẽ lại về quê. Nhưng cuối tháng Giêng năm 1874,nghe tin cụ Vọng ốm nặng,hai anh em ông vội vã lên đường ra Bắc. Đó là lần cuối cùng hai ông còn có cơ hội đượcgần gũi chuyện trò với người cha kính yêu.Ngày 16  tháng Hai năm ấy cụ Nguyễn Công Vọng rời xa trần thế  ,để lại những khoảng trống vắng mênh mông trong lòng con cháu và bao lứa học trò trong vùng.Đám tang của cụ được cử hành rất trọng thể.Người đến dự lễ tiễn đưa cụ về cõi Tiên đứng chật đường cái chợ Hạ ,từ Đống Sành đến tận mả Voi...
    Chào đời vào năm Mậu Thân của thế kỷ trước (1788) , về cõi vĩnh hằng nhằm năm Giáp Tuất của thế kỷ sau (1874),cụ Nguyễn CôngVọng đã sống trong một giai đoạn kỳ lạ nhất của lịch sử nước nhà.Giai  đoạn xuất hiện người anh hùng áo vải Quang Trung như một vì sao sáng chói nhưng lại nảy nòi hai ông vua mà người đời sau thường gọi là hai kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”: Duy Kỳ (Lê Chiêu Thống) và Nguyễn Ánh (Gia Long) .Giai đoạn mà cụ phải đau lòng chứng kiến sự lên xuống của gần chục ông vua của 3 triều đại ngắn ngủi.Giai đoạn mà trong cung đình vua quan mặc sức sống xa hoa trụy lạc,còn ngoài dân trăm họ cơ cực lầm than .Năm Gia Long đoạt lại quyền trị vì đất nước từ triều Tây Sơn(1802-1819)cũng là thời điểm cậu bé Nguyễn Công Vọng lần lượt mất cha ,mất mẹ ,mất anh ,mất nhà cửa ruộng vườn cuối cùng phải rời bỏ quê hương . Trong hai mươi năm ở ngôi , Minh Mạng kịp tuyển vài trăm cung tần mỹ nữ,kịp đẻ 78 con trai,64 con gái , thậm chí vì sợ nhiều vợ quá, khí uất trong cung tắc, trời giáng họa thiên tai,hạn hán vua đành thả bớt 100 cung tần mỹ nữ về quê...Vị vua có tới 142 người con ấy không thể ngờ được rằng chỉ hai đời sau ,dòng dõi chính thống của ông ta đã bị tuyệt tự.Tự Đức,con Thiệu Trị, cháu nội của Minh Mạng,lấy vợ từ năm 15 tuổi,sau đó còn cưới thêm 103 mỹ nữ nữa nhưng chẳng ai có thể sinh con với ông ta.Sau khi Tự Đức qua đời ,nước Nam ta  rơi vào ách đô hộ của thực dân Pháp với hàng loạt ông vua bù nhìn ,đoản mệnh.Có ông lên ngôi vẻn vẹn 3 ngày thì bị truất ngôi và bỏ đói đến chết(Dục Đức).Có ông tại vị được 5 tháng thì bị xử uống thuốc độc tự vẫn (Hiệp Hòa 6/1883-11/1883).Có ông ngồi ngai vàng được 8 tháng thì bị viên quan phụ chính, tình nhân của dưỡng mẫu sai thái y dâng thuốc... “chết”(Kiến Phúc 12/1883-8/1884).Có ông được đưa lên 1 năm thì bị thực dân Pháp đày đi châu Phi (Hàm Nghi 8/1884-8/1885)...
    Điểm qua đôi dòng lịch sử bi thương của đất nước thời kỳ ấy ,người viết bài ký này thử đưa ra  lời lý giải về sự mất liên lạc rất lạ lùng của những người ruột thịt dòng họ Nguyễn Xuân ở đất Thanh Hóa từ sau những năm cuối thế kỷ 19 .Trong cuốn tư liệu viết bằng chữ Hán mà cụ Nguyễn Xuân Ước để lại ,có chép  thêm một lần  hai ông Nguyễn Xuân Thanh và Nguyễn Xuân Tịnh về An Trì để giỗ đầu cụ Nguyễn Công Vọng vào tháng 2 năm 1875.Lần ấy trở lại Thanh Hóa mỗi ông bốc một bát hương từ quê cha mang về trong ấy lo việc thờ cúng ông bà cha mẹ .Cuốn tư liệu cũng có đoạn viết về những ngày cuối đời của cụ Phan Thị Nhàn . Ấy là, vào cuối tháng 2 năm 1876,có người từ Thanh Hóa ra Bắc bán mật ong mang theo thư của ông Thanh và ông Tịnh gửi cho ông Đơi báo tin mẹ ( cụ Phan Thị Nhàn )vừa qua đời ở tuổi 81 .Trong lá thư viết bằng chữ Hán ấy,hai ông có kể lại những tâm sự khổ đau của người mẹ phải xa chồng,xa cháu con mấy chục năm trời mà không thể gặp lại, dẫu chỉ một lần ,dẫu chỉ một người...
    Sau những dòng ghi chép về lá thư từ Thanh Hóa vào năm 1876 đến nay không còn bất kỳ một thông tin nào  về con cháu của cụ Vọng ở trong ấy nữa.Những trang đầu của cuốn tư liệu có ghi chép địa chỉ của ông Thanh ,ông Tịnh nhưng đã bị mờ,bị rách tả tơi.Cố gắng lắm bác Nguyễn Xuân Vĩnh mới ghép giấy đọc được vài từ như :địa cư ... Thanh Hóa tỉnh...làng...cách bể Đông Hải ...tam.
   Vậy là những người mang huyết thống của dòng họ Nguyễn Xuân ở Thanh Hóa tựa như bóng chim tăm cá đã hơn 100 năm.Nhưng  vì sao họ biệt tăm và hiện họ đang ở đâu thì không sao hiểu nổi. Như trên tôi đã đề cập ,chuyện bặt tăm, bặt tin này chỉ là do hoàn cảnh lịch sử gây nên.Bởi lẽ từ sau khi cụ Vọng và cụ Nhàn mất, đất nước chìm đắm trong ách nô dịch, đói nghèo ,ba kỳ  loạn lạc liên miên hơn bẩy chục năm trời.Có thể mấy gia đình họ Nguyễn Xuân ở xứ Thanh sa sút không đủ tiền bạc để về quê , hoặc không dám về quê vì sợ bom rơi ,đạn lạc,sợ trộm cướp dọc đường.Cũng có thể vùng đất ven biển ấy trở thành chiến địa, cư dân phải chạy loạn tứ phương.Hoặc giả những năm nạn đói  hoành hành , người còn ,người mất...
       Cũng không loại trừ khả năng cụ Thanh, cụ Tịnh có để lại địa chỉ quê hương cho con cháu nhưng những người thuộc thế hệ sau  chưa thể tìm ra.Ngày ấy An Trì trang thuộc tổng Hu Trì huyện Vĩnh Lại tỉnh Hải Dương.Còn từ sau ngày hòa bình lập lại(1954) ,tên An Trì vẫn cũ nhưng đã trở thành một trong 5 thôn của xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo,tỉnh Kiến An,rồi sau sát nhập vào thành phố Hải Phòng .
    Và cũng giống như tình cảnh trong bài thơ Sông Lấp  của cụ Tú Xương:                
                               Sông kia rày đã nên đồng
                               Chỗ làm nhà cửa ,chỗ trồng ngô khoai
                               Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
                               Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò
     Dòng sông Vĩnh Tinh bây giờ cũng không còn.Các địa danh khác như : dại Gốc Sắn ,chợ Cầu Gạo ,đình Trên,miếu ông Đống Sành ,đường cái Chợ Hạ ...tựa hồ đã bị biến mất trong bộ nhớ của hầu hết công dân An Trì  từ thế hệ 8X thế kỷ 20 trở đi.Vậy thì mấy trang bút ký này cũng coi như một lúc nào đó tôi chợt giật mình hoài niệm chuyện ngày xửa ,ngày xưa mà tự thốt lên.Có thể con cháu dòng họ Nguyễn Xuân ở An Trì hôm nay và mai sau có người sẽ đọc.Cũng có thể khi tôi đăng bài này lên trang mạng in-tơ-net của mình, ai đó là hậu duệ của hai cụ Nguyễn Xuân Thanh,Nguyễn Xuân Tịnh ở Thanh Hóa ngày xưa  sẽ đọc được.Và nếu được như vậy thì điều kỳ lạ nhất  sẽ xảy ra ở chính đất An Trì trang,nơi mộ phần của cụ tổ Nguyễn Công Vọng hiện vẫn ngào ngạt thơm hương,nơi vẫn còn nguyên dấu tích của ngôi nhà do người sáng nghiệp dòng họ Nguyễn Xuân  dựng từ năm 1848 ,sửa lại năm 1863 với bài thơ vịnh của cụ Nguyễn Xuân Ước vào năm cuối thế kỷ19  như sau:
                                      Năm gian nhà gỗ lại pha tre
                                      Phương hướng nhìn xem đất đỗ Nghè
                                      Mã tẩu đường tiền là án chính
                                    Bút thần tấn hậu thị dân tề
                                    Càn long dẫn mạch tiền như núi
                                   Tốn thủy nhập hoài bạc có xe
                                   Phương hướng nhà ta thiên dĩ định
                                   Cháu con đều được vẻ vang ghê.
                                                                                                                    N X H
                                                                                                 
* Tác giả bài bút ký là nhà thơ,nhà biên kịch điện ảnh,Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam(chắt nội của cụ Ước,hậu duệ7 đời của cụ Vọng) hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội.ĐT:0903437273   *Email:hai_anthanh@yahoo.com.vn *Webside trên google:  nguyenxuanhai.nghesy.vn